Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Bà Trương Thị Mai tham dự hội nghị thường niên APPF-20


Ngày 9.1, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-20) đã khai mạc trọng thể với sự tham dự của các nghị sỹ đến từ 27 nước thành viên APPF và một số nước Quan sát viên của APPF.
Ủy viên Bộ chính Trị, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao củaQuốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn ĐBQH Việt Nam tại Hội nghị APPF - 20
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn ĐBQH Việt Nam tại Hội nghị APPF - 20
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, đồng Chủ tịch APPF-20 Takahiro Yokomichi nêu rõ, trong gần 20 năm qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phải đối phó với rất nhiều khó khăn và thách thức như: cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau cú sốc Lehman Brothers năm 2008, những thay đổi trong hệ thống an ninh quốc tế sau Chiến tranh lạnh, cuộc chiến chống khủng bố và hàng loạt thảm họa thiên tai trên diện rộng. Tuy nhiên, các nước trong khu vực đã đoàn kết để vượt qua những thách thức này.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều khó khăn và thách thức, Chủ tịch Takahiro Yokomichi kêu gọi nghị sỹ các nước thành viên APPF tiếp tục tăng cường hợp tác để tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng chung quan điểm với Chủ tịch Takahiro Yokomichi, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Kenji Hirata, đồng Chủ tịch APPF-20, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực và đề nghị các đại biểu thảo luận biện pháp nhằm giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương vượt qua các khó khăn và thách thức trong tương lai.
Trong bốn ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực như: phòng chống thiên tai, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ của Liên Hợp Quốc và hợp tác về an toàn hạt nhân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trong khu vực và quốc tế.
Cũng tại APPF-20, các đại biểu sẽ thảo luận các đề xuất của Nhật Bản nhằm sửa đổi các quy tắc về thủ tục của APPF. Kết thúc Hội nghị, APPF – 20 dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung Tokyo nhằm vạch ra các phương hướng và tầm nhìn mới cho diễn đàn quan trọng này.
Được thành lập vào tháng 3/1993, Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF) là diễn đàn để nghị sỹ các nước thành viên thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực hướng tới mục tiêu đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực, thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực.
+ Chiều cùng ngày, APPF-20 đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất. Trưởng đoàn ĐBQH các nước đã thảo luận về các vấn đề an ninh chính trị, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, hợp tác ngăn ngừa thiên tai, an ninh lương thực, nạn khủng bố, buôn lậu ma túy, ngăn chặn và xử lý tội phạm có tổ chức, kết quả đạt được về Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, mặc dù châu Á – Thái Bình Dương được coi là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và xóa đói – giảm nghèo, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm tàng về an ninh – chính trị có thể làm hạn chế đà phát triển chung của khu vực. Vì vậy, những nội dung được đề xuất thảo luận trong khuôn khổ APPF – 20 lần này có ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp các nhà hoạch định chính sách trong khu vực trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm để tìm kiếm những biện pháp và hình thức hợp tác, đóng góp vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và tăng trưởng năng động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, APPF cần có sự điều chỉnh về cơ cấu theo hướng chặt chẽ và thực chất hơn, gắn kết và phối hợp sâu rộng với các cơ chế khác trong khu vực nhằm phát huy được đầy đủ sức mạnh và tiềm năng của khu vực. Hội nghị lần này sẽ là cơ hội thuận lợi để các đại biểu cùng bàn thảo và đưa ra những quyết định nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của APPF trong giai đoạn tiếp theo.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: ngay sau thành công của cuộc bầu cử ĐBQuốc hội Việt Nam Khóa XIII, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, điều hành vĩ mô nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Việt Nam tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trên bình diện đối ngoại, Việt Nam tiếp tục cam kết chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thực hiện tốt các cam kết quốc tế; củng cố các cơ chế chỉ đạo và triển khai các thỏa thuận quốc tế. Điều này được khẳng định bằng sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, AIPA, APPF… trên các lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế, và văn hóa – xã hội.
+ Cùng ngày, trong khuôn khổ APPF-20, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ Phó chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Seishiro Eto.
Tại cuộc gặp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự khâm phục trước bản lĩnh kiên cường của người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần vào tháng 3.2011; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác để giúp Chính phủ và người dân Nhật Bản khắc phục thảm họa vừa qua. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cám ơn việc Nhật Bản cung cấp vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Phó chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Seishiro Eto bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản; tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành đối tác lớn của Nhật Bản ở châu Á. Phó chủ tịch Hạ viện Seishiro Eto cám ơn sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau trận động đất kinh hoàng đầu năm 2011 cũng như việc tạo điều kiện cho Nhật Bản tham gia các dự án quan trọng tại Việt Nam như khai thác đất hiếm và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tin và ảnh: Anh Tiến

Bà Trương Thị Mai đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và các cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Sóc Trăng


Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 21/12, đoàn công tác Trung ương do đồng chí Tòng Thị Phóng– Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tại chùa Khleng. Cùng đi với đoàn còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh Sóc Trăng và các Sở, Ban ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội (bên trái thứ ba, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng các vị sư sãi Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh
Đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội (bên trái thứ ba, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng các vị sư sãi Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh
Đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng; Hòa thượng Tăng Nô – Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, cùng các hòa thượng, đại đức và sư sãi Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh. Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và đánh giá cao sự đóng góp của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh. Thời gian qua, Hội đã tích cực vận động, động viên đồng bào Khmer, sư sãi trong việc phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tốt các hoạt động của chính quyền, đoàn thể và các hoạt động xã hội ở địa phương; đặc biệt là trong công tác giảng dạy, học chữ Khmer. Đồng thời, kêu gọi các vị hòa thượng, đại đức, sư sãi Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Tăng phát huy những kết quả đạt được của Hội và tiếp tục góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp sức cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc, đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã bày tỏ niềm vinh dự khi đoàn đến thăm và hứa sẽ luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Hội; kêu gọi, dẫn dắt tín đồ phật tử đề cao cảnh giác với âm mưu chia rẽ tình đoàn kết các dân tộc, đồng lòng đồng sức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Tiếp theo đó, đoàn cũng đã đến thăm chùa Mahatup (chùa Dơi) và đến thăm các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng: Trần Văn Vụ – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; Hồ Nam – nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Quân quản tỉnh Hậu Giang (cũ); Ngô Quang Tảo (Năm Nhẫn) – nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh và đồng chí Thạch Tịnh – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội. Tại các nơi đến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tặng quà, thăm hỏi sức khỏe và chúc các đồng chí luôn sống lâu, sống khỏe. Đồng thời, mong muốn các đồng chí tiếp tục có những ý kiến đóng góp quý báu cho Đảng bộ tỉnh và Quốc hội để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công cuộc xây dựng đất nước.
Chí Bảo

Bà Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Sóc Trăng


Ngày 20.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã thăm và làm việc tại Sóc Trăng.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hộiTrương Thị Mai; Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hồ Trọng Ngũ; Phó chủ nhiệm VPQH Vũ Văn Phòng.
Tại cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch QH và Đoàn công tác đã nghe Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hiếu báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương năm 2011. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,04%; GDP bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng/năm; sản lượng lúa toàn tỉnh năm 2011 đạt hơn 2 triệu tấn, vượt 3,5% kế hoạch đề ra. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.
Cán bộ chủ chốt huyện Châu Thành, Sóc Trăng
Cán bộ chủ chốt huyện Châu Thành, Sóc Trăng
Sóc Trăng kiến nghị QH cho phép tỉnh tiếp tục chuyển nguồn vốn sang năm 2012 để triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thông báo tổng mức vốn công trình và mức hỗ trợ năm của cả giai đoạn để tỉnh chủ động trong việc lập các dự án và lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đối với xây dựng nông thôn mới, với đặc điểm là một tỉnh nghèo và có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam bộ, tỉnh đề nghị tăng mức hỗ trợ vốn để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã phát biểu chỉ đạo, đánh giá cao những thành tích mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời mong muốn, Sóc Trăng sẽ có bướác đi và cách làm phù hợåp vớái một địa phương có nhiều đồìng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác đã làm việc với Lãnh đạo huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Sau khi nghe Lãnh đạo huyện Châu Thành báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện năm 2011, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng ghi nhận và biểu dương sự cố gắng cũng như những thành tích huyện đã đạt được. Tuy là một huyện mới được thành lập, từ tháng 1.2009, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Châu Thành đã cơ bản quy hoạch được huyện mới. Đây là một trong những bước quan trọng trong quy hoạch cơ sở, kết cấu hạ tầng, gắn với cơ cấu quy hoạch sản xuất và mặt bằng dân trí. Phó chủ tịch QH cho rằng, huyện đã có tư duy bứt phá, nhảy vọt trong việc mạnh dạn đa dạng sản phẩm, tính đến các giống mới, có hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp, hình thành các trang trại… Phó chủ tịch QH đề nghị, huyện cần tiếp tục quan tâm quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tổng kết mô hình trang trại. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Chăm lo công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết, phấn đấu xây dựng Châu Thành ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tin và ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Cần quy định lương tối thiểu của thị trường lao động


Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/12 về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp thu và bổ sung thêm một số vấn đề về tiền lương và tiền lương tối thiểu.
Đó là quy định nhằm hỗ trợ người lao động, đại diện người lao động trong quá trình thương lượng, thỏa thuận về tiền lương thông qua việc định kỳ công bố các thông tin về thị trường lao động, mức tiền lương bình quân thực tế theo khu vực, ngành, nghề và tiếp tục cụ thể vai trò của tổ chức công đoàn trong việc hỗ trợ cho tập thể người lao động đối thoại, thương lượng về tiền lương.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cần có quy định về tiền lương tối thiểu theo giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian.
Lương tối thiểu theo giờ được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng và bao gồm đầy đủ các chi phí mà người lao động phải chi trả cho người lao động làm việc theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ…)
    Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai

Tiếp thu ý kiến đại biểu qua thảo luận tại kỳ họp thứ hai, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, cần quy định mức lương làm thêm giờ vào ban đêm tăng khoảng 20% so với luật hiện hành. Tức, các mức lương làm thêm giờ vào ban đêm vào ngày thường là 200%, ngày nghỉ hàng tuần 250% và 350% đối với ngày nghỉ có hưởng lương.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần bổ sung một số yếu tố làm cơ sở để công bố mức tiền lương tối thiểu như năng suất lao động, khả năng tăng trưởng kinh tế, các khoản trợ cấp an sinh xã hội và tương quan mức sống với các nhóm dân cư khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý vẫn băn khoăn, nếu quy định cụ thể hơn thì đến mức độ nào, vì sắp tới sẽ có luật tiền lương tối thiểu.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền giải thích, về tiền lương, Bộ luật Lao động được xác định đây là luật gốc, còn cụ thể mức lương thế nào tới đây Luật Tiền lương tối thiểu sẽ quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói thêm, trong Bộ luật Lao động tiền lương tối thiểu chỉ quy định 3 điều: yếu tố nào quyết định, khi nào thì điều chỉnh và hội đồng tiền lương tối thiểu. Sau này có nghị định cụ thể hóa 3 điều này.
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần nghiên cứu để quy định theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò của nhà nước với vấn đề tiền lương, các quy định về chế độ tiền lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương…
NGUYÊN VŨ

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Chọn thời gian nghỉ thai sản


Quan điểm xuyên suốt để sửa đổi vấn đề tiền lương trong Bộ luật Lao động là “đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Tiếp tục công bố lương tối thiểu ngành
Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, tiền lương là vấn đề cơ bản nhất có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người lao động và gia đình họ, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương được quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, vai trò quản lý của Nhà nước về tiền lương chủ yếu được thực hiện thông qua việc quy định các nguyên tắc, cơ chế để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đạt được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; hỗ trợ cho việc thương lượng giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động trong thỏa ước lao động tập thể về mức lương, hình thức trả lương, cơ chế trả lương và các điều kiện khác; hướng dẫn để quá trình thỏa thuận, thương lượng về tiền lương diễn ra đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thỏa thuận của các bên về tiền lương – báo cáo thẩm tra nêu.
Tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn.
“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc công bố mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế”, báo cáo phân tích.
“Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên, nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý”.
Tuy nhiên hiện nay, các điều kiện để xây dựng thỏa ước lao động tập thể ngành còn rất hạn chế, cần phải có thời gian để mở rộng dần. Vì vậy, UB Các vấn đề xã hội kiến nghị Nhà nước tiếp tục công bố lương tối thiểu ngành trong một thời gian cần thiết để bảo vệ cho người lao động trong một số ngành, nghề.
Chọn thời gian nghỉ thai sản
Theo UB Các vấn đề xã hội, xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 lên 6 tháng là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: Minh Thăng
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: Minh Thăng
Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội, Quỹ BHXH có thể cân đối được, song phải quan tâm đến các yếu tố khác như: tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ) để hài hòa lợi ích của cả hai bên, tác động đối với các nhóm phụ nữ làm công việc khác nhau và tác động chung đối với phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
UB Các vấn đề xã hội cho rằng nên quy định linh hoạt vấn đề này để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng.
Trên cơ sở đó, tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ từ 4 tháng đến 6 tháng phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.
Xem thêm: